Trước thế kỷ XV, Việt Nam chưa có những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công, thương nghiệp và kinh tế hàng hóa, nhưng đã có tầng lớp thợ thủ công. Sang thế kỷ XV, XVI đội ngũ “Những người lao động làm thuê” đã xuất hiện. Đầu thế kỷ XIX, ngành khai mỏ phát triển và hàng ngàn “thợ” mỏ làm việc trong các mỏ khai thác than, thiếc. Nhưng đó chưa phải là công nhân hiện đại, sản xuất trong dây chuyền công nghiệp.

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là gì?

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định vai trò giai cấp công nhân và sử mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân ở nước ta.

“Trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Thực hiện sứ mệnh lịch sử to lớn đó, giai cấp công nhân Việt Nam phát huy vai trò của một giai cấp tiên phong, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể thuộc nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Ảnh: Chân dung Anh hùng Trần Văn Kiểu và Bia tưởng niệm liệt sĩ Trần Văn Kiểu cùng liệt sĩ Lê Thị Riêng tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh: Công nhân ngành kiến trúc Sài Gòn biểu tình đòi trả tự do cho cán bộ nghiệp đoàn, ngày 1 tháng 5 năm 1958.

Ảnh: Đông đảo công nhân và người dân Sài Gòn biểu tình trước chợ Bến Thành nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, năm 1962.

Ảnh: Công nhân các ngành nghề biểu tình trước dinh Thủ tướng Sài Gòn, ngày 21 tháng 9 năm 1964.

Ảnh: Đoàn viên, thanh niên, công nhân Hà Nội tại lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, đêm 9 tháng 8 năm 1964.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô, ngày 2 tháng 12 năm 1965.

Ảnh: Công nhân, phụ nữ Sài Gòn hưởng ứng biểu tình chống Mỹ - ngụy trong ngày Quốc tế Lao động 1/5, năm 1966.

Ảnh: Lực lượng công nhân và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình chống Mỹ - ngụy, năm 1968.

Ảnh: Làn sóng đấu tranh đòi Mỹ rút quân về nước, lật đổ ngụy quyền dâng lên mạnh mẽ khắp miền Nam, nhất là trong lực lượng công nhân, học sinh, sinh viên.

Ảnh: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lực lượng công nhân, Nhân dân lao động vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Ảnh: Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất LED chip hiệu suất cao.

Đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam?

Tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng ta đã xác định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất công nghiệp”.

Giai cấp công nhân là một trong các giai cấp ở Việt Nam hiện nay

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam mang những đặc điểm chủ yếu sau đây:

- Ra đời trước giai cấp tư sản vào đầu thế kỷ XX, là giai cấp trực tiếp đối kháng với tư bản thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chúng. Giai cấp công nhân Việt Nam phát triển chậm vì nó sinh ra và lớn lên ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

- Trực tiếp đối kháng với tư bản thực dân Pháp, trong cuộc đấu tranh chống tư bản thực dân đế quốc và phong kiến để giành độc lập chủ quyển, xóa bỏ ách bóc lột và thống trị thực dân, giai cấp công nhân đã tự thể hiện minh là lực lượng chính trị tiên phong để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân và phong kiến thống trị, mở đường cho sự phát triển của dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản. Giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ thể hiện đặc tính cách mạng của mình ở ý thức giai cấp và lập trường chính trị mà còn thể hiện tinh thần dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, với dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết và bất khuất chống xâm lược.

Tuy số lượng giai cấp công nhân Việt Nam khi ra đời còn ít, những đặc tính của công nhân với tư cách là sản phẩm của đại công nghiệp chưa thật sự đầy đủ, lại sinh trưởng trong một xã hội nông nghiệp còn mang nhiều tàn dư của tâm lý tiểu nông nhưng giai cấp công nhân Việt Nam sớm được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng chống thực dân đế quốc nên đã trưởng thành nhanh chóng về ý thức chính trị của giai cấp, sớm giác ngộ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tức là giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình, nhất là từ khi Đảng ra đời. Lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và của Đảng cũng như phong trào công nhân Việt Nam do Đảng lãnh đạo gắn liền với lịch sử và truyền thống đấu tranh của dân tộc, nổi bật ở truyền thống yêu nước và đoàn kết đã cho thấy giai cấp công nhân Việt Nam trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, với Đảng Cộng sản, với lý tưởng, mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để và là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản.

- Giai cấp công nhân Việt Nam gắn bó mật thiết với các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích dân tộc gắn chặt với nhau, tạo thành động lực thúc đẩy đoàn kết giai cấp gắn liền với đoàn kết dân tộc trong mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Đại bộ phận công nhân Việt Nam xuất thân từ nông dân và các tầng lớp lao động khác, cùng chung lợi ích, cùng chung nguyện vọng và khát vọng đấu tranh cho độc lập tự do, để giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc Việt Nam, hướng đích tới chủ nghĩa xã hội nên giai cấp công nhân Việt Nam có mối liên hệ tự nhiên, chặt chẽ với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động trong xã hội. Đặc điểm này tạo ra thuận lợi để giai cấp công nhân xây dựng khối liên minh giai cấp với giai cấp nông dân, với đội ngũ trí thức làm nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là cơ sở xã hội rộng lớn để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, trước đây cũng như hiện nay.

Những đặc điểm nêu trên bắt nguồn từ lịch sử hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam với cơ sở kinh tế - xã hội và chính trị ở đầu thế kỷ XX.

Ngày nay, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, những đặc điểm đó của giai cấp công nhân đã có những biến đổi do tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và những tác động của tình hình quốc tế và thế giới. Bản thân giai cấp công nhân Việt Nam cũng có những biến đổi từ cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, trình độ học vấn và tay nghề bậc thợ, đến đời sống, lối sống, tâm lý ý thức. Đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản đã có một quá trình trưởng thành, trở thành Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, đang nỗ lực tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ.